PHỐI HỢP KIỂM TRA VƯỜN SẦU RIÊNG VÀ VƯỜN ĐIỀU TRONG THỜI GIAN RA HOA ĐẬU TRÁI

07.02.2025 16:4498 đã xem

PHỐI HỢP KIỂM TRA VƯỜN SẦU RIÊNG VÀ VƯỜN ĐIỀU TRONG THỜI GIAN RA HOA ĐẬU TRÁI

Ngày 06/02/2025 UBND, Hội Nông dân xã Gia Viễn phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai tổ chức kiểm tra vườn sầu riêng và vườn điều trên địa bàn xã.

Hiện nay vườn điều và sầu riêng trên địa bàn xã đang trong thời gian ra hoa, đậu trái. Để bà con nông dân chủ động chăm sóc vườn sầu riêng, vườn điều giai đoạn ra hoa - nuôi hoa và phòng trừ sâu bệnh hại giai đoạn hiện nay nhằm bảo vệ năng suất vụ năm 2025, Đoàn kiểm tra khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân cần thực hiện tốt một số kỹ thuật như sau:

1. Đối với các vườn sầu riêng giai đoạn nhú mắt cua - nuôi hoa:

- Kỹ thuật tưới nước: Tiến hành tưới nước khi nụ hoa hình thành rõ (sau khi nứt mắt cua 2-3 ngày) cần tiến hành tưới nước trở lại từ từ cho cây hay còn gọi là “nhấp nước” (lượng nước tưới tương đương 1lít nước/1m2 diện tích tán cây) để nụ hoa phát triển, tránh tình trạng thiếu nước mầm hoa đi vào trạng thái ngủ (chai), không phát triển được.

Vườn sầu riêng hộ ông Nguyễn Văn Trọng thôn Trung Hưng.

(Hình ảnh: Đình Lưu)

- Lần tưới tiếp theo khi thấy lớp đất mặt bắt đầu khô, khoảng 2-5 ngày sau, tùy theo loại đất (đất cát, đất thịt hay đất sét), chỉ tưới đủ ẩm - không tưới quá nhiều trong 1 lần, tránh gây sốc nước. Lượng nước tưới tăng dần trong các lần tưới tiếp theo và khi hoa dài khoảng 2-3 cm (sau khi nứt mắt cua 7-10 ngày) thì tưới trở lại bình thường như giai đoạn trước khi ra hoa.

- Bà con lưu ý: Không nên tưới dư nước ở giai đoạn này, nếu tưới dư nước ở giai đoạn khi mầm hoa vừa nhú (mắt cua), sẽ làm cho các bông ở đầu cành phát triển mạnh (nơi không khuyến cáo để trái vì dễ bị gãy cành). Còn các mầm hoa ở vùng mang trái bị rơi vào trạng thái ngủ (đui bông) nên sẽ mất sản lượng.

* Phun bổ sung phân bón lá: Giai đoạn nuôi hoa, ngoài các yếu tố như đạm (N), lân (P), kali (K) cây cần cung cấp các loại nguyên tố trung vi lượng nhất là Boron (B), Can xi (Ca), Magie (Mg), Zn+... để hình thành hạt phấn, tăng sức sống của hạt phấn và tạo 2 độ dai chắc cho cuống hoa. Do vậy nông dân cần phun bổ sung phân bón lá để bổ sung dinh dưỡng cho cây giai đoạn này.

2. Các biện pháp tác động, chăm sóc vườn điều

- Đối với vườn điều vừa nhú chồi bông khoảng 5 - 10cm (60 - 70% số bông ra hoa trên cây): Sử dụng 250g Boroca (Canxi Bo) + 500g Hợp trí HK 7-5 44 + 120ml Tilt super 300EC /200 lít nước) để phun xịt. Giúp tăng sức sống hạt phấn, chùm hoa lớn, hoa tươi lâu, kéo dài thời gian thụ phấn, phòng một số sâu bệnh hại trên hoa và trái non.

Vườn điều hộ ông Mai Văn Trị thôn Tiến Thắng

Hình ảnh: Đình Lưu

- Đối với các vườn điều đa số các trái non đã nhú: Sử dụng phân bón lá Silimax(Canxi, silic và kali) + Hợp trí HK 7-5-44 + Mancozeb 80WP + IMI M4 40WP (Buprofezin + Imidacloprid) (500ml Silimax(Canxi, silic và kali) + 500g Hợp trí HK 7-5-44 + 500g Mancozeb 80WP + 150gam IMI M4 40WP /200 lít nước). Giúp cung cấp dinh dưỡng và phòng một số sâu bệnh hại trên bông và trái non vừa đậu, chống rụng trái non. Nên phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.

- Đối với các vườn điều đa số hạt đã lớn bằng đầu ngón tay út: Sử dụng phun phân bón lá NPK 20-20-20+ TE + Mastercide 45 SC (Buprofezin+ Deltamethrin)+ Tiltsuper 300EC (250gam NPK 20-20-20 + 100ml Mastercide 45 SC + 120 ml Tiltsuper 300EC /200 lít nước). Giúp hỗ trợ dinh dưỡng, hột lớn nhanh, tạo nhân hột chắc, cho thu hoạch kéo dài, phòng sâu bệnh gây hại trên trái.

Bà con lưu ý: Trong thời điểm điều ra hoa đậu trái nếu gặp mưa trái mùa hoặc sương mù dày đặc cần sử dụng thuốc trừ sâu, trừ bệnh như: 250ml FM-Tox 50EC + 200ml Grandgold 80SC (gốc Hexaconazol) hoặc 500g Penncozeb 80WP + 175 ml Permecide 50EC... phun xịt sau các trận mưa để rửa trôi nước mưa (vì nước mưa có tính axít làm cho điều dễ bị khô đen) đồng thời phòng trừ sâu bệnh hại hoa, hại trái điều.

Đỗ Danh Thăng

Tin tức khác